Khẳng định thương hiệu chiếu cói Quảng Phúc

Toàn xã hiện có gần 400 ha diện tích trồng cói, chiếm khoảng 64% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; tập trung tại các thôn Liên Sơn, Văn Giáo, Ngọc Bình, Ngọc Nhị và Ngọc Đới. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, xã Quảng Phúc đã khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những hộ có tâm huyết với nghề được vay vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư mua máy dệt chiếu, nâng cao chất lượng sản phẩm; từ đó, tạo việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Hiện nay, sản phẩm chiếu cói Quảng Phúc đã được người tiêu dùng quan tâm, khẳng định chất lượng tại thị trường trong và ngoài nước. Để mục sở thị quy trình dệt chiếu cói, chúng tôi tìm đến gia đình bà Lê Thị Dục, là một trong những “người giữ nghề” dệt chiếu cói có thâm niên tại thôn Ngọc Bình. Trong không gian nhà xưởng nhộn nhịp người qua lại cùng những loại máy móc đang hoạt động hết công suất, bà Dục đang tất bật xếp gọn những chiếc chiếu để kịp cho chuyến hàng. Là thành viên của gia đình nhiều năm lưu truyền nghề dệt chiếu cói, bà chia sẻ: Chiếu cói Quảng Phúc được sản xuất từ 2 nguyên liệu chính là cây cói và sợi đay. Nghề dệt chiếu không quá khó, nhưng vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ từ thu hoạch cói, phân loại, đem phơi,… đến dệt; đòi hỏi người thợ phải xử lý thật tinh ý, sao cho các đường bẻ mép, bắt biên gọn gàng đều tắp”. Theo bà Dục, sau khi thu hoạch cói, người dân sẽ gom cói thành những bó vừa tay để giũ cho sạch cỏ, rác hoặc những sợi chết khô và chỉ để lại những sợi cói tươi xanh, sau đó sẽ phân loại những sợi dài, ngắn khác nhau và đem phơi ngay trên ruộng vừa thu hoạch xong. Khi dệt chiếu, đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo để sợi cói vào khuôn dệt theo quy luật sao cho nhanh và đều, tránh làm đứt sợi đay; phải giấu được sợi đay, mối ghim đều, chắc, cắt biên đều nhau; sau khi dệt xong sẽ tiếp tục công đoạn may viền chiếu với các loại vải phù hợp, tạo mẫu mã đẹp và độ bền cho sản phẩm… Sau nhiều năm dệt chiếu thủ công, năm 2013, trước thách thức của thị trường, đòi hỏi số lượng hàng hóa nhiều hơn, mẫu mã, chất lượng bền đẹp, gia đình bà Dục đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua máy dệt chiếu, máy may bìa và mở rộng xưởng sản xuất. Đến nay, mỗi tháng, gia đình bà Dục cung cấp cho thị trường khoảng hơn 20.000 chiếc chiếu thô; doanh thu trung bình mỗi tháng đạt khoảng hơn 1 tỷ đồng. Hiện, xưởng sản xuất chiếu cói của gia đình bà Dục đang tạo việc làm cho khoảng 20 lao động, với thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Bùi Ngọc Tam, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc, cho biết: Nhiều năm trở lại đây, để duy trì và phát triển nghề, người dân xã Quảng Phúc đã mạnh dạn áp dụng khoa học – kỹ thuật, đầu tư các loại máy móc để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Vì vậy, không chỉ thu hút khách hàng trong và ngoài tỉnh, chiếu cói Quảng Phúc còn được xuất bán ra các nước như Trung Quốc, Lào, Thái Lan… Để nghề dệt chiếu cói giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Quảng Phúc đã thành lập HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc; bên cạnh công tác đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật dệt chiếu, HTX còn hỗ trợ người dân bao tiêu sản phẩm, liên kết sản xuất; giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương ở thị trường trong nước và quốc tế.

Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định công nhận làng nghề truyền thống dệt chiếu cói cho các thôn: Ngọc Đới, Ngọc Bình, Ngọc Nhị, Văn Giáo và Liên Sơn. Đây là cơ sở và niềm tin để người dân tại các làng nghề chiếu cói tiếp tục gắn bó, gìn giữ và phát triển nghề; bên cạnh đó, tích cực ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng, mẫu mã và giá trị của sản phẩm chiếu cói Quảng Phúc.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0987 665 469