Nghề sản xuất chiếu cói ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương phát triển mạnh trong hơn 10 năm nay. Cả xã có 220 máy dệt chiếu, quân bình 1 ngày sản xuất được trên 5.000 đôi chiếu. Nhờ ứng dụng công nghệ, cải tiến mẫu mã nên sản phẩm chiếu của xã có giá cạnh tranh cao, thị trường sản phẩm mở rộng trên toàn quốc. Trong tháng 3/2022, sản phẩm chiếu cói Quảng Phúc đã được công nhận đạt chuẩn Ocop 3 sao cấp tỉnh. Việc công nhận sản phẩm Ocop là điều kiện để xã xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chiếu cói Quảng Phúc, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân. Ông Lê Văn Bằng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất kinh doanh Quảng Phúc, huyện Quảng Xương cho biết Hợp tác xã cũng đi đến các địa phương như Thái Bình, các nơi, các đơn vị đặt sản xuất sản phẩm, đang từng bước đưa sản phẩm của cơ sở đến công chúng, người tiêu dùng.
Hiện nay, huyện Quảng Xương có 550 ha đất trồng cói tập trung ở các xã; Quảng Phúc, Quảng Trường, Quảng Khê, Quảng Long, Quảng Ngọc và Quảng Văn. Sản lượng cói toàn huyện đạt trên 7.000 tấn/năm. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề trồng cói và chế biến sản phẩm từ cói, những năm qua huyện Quảng Xương đã có nhiều cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, hộ dân có tâm huyết với nghề được vay vốn để đầu tư mua máy dệt chiếu.
Đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 500 máy dệt chiếu và gần 1.000 hộ làm nghề dệt chiếu. Sản lượng sản xuất hàng năm đạt khoảng 3 triệu đôi chiếu các loại. Nghề dệt chiếu cói không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho các hộ chủ máy mà còn giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho gần 7 nghìn lao động tại địa phương. Để nâng cao giá trị từ sản phẩm chiếu cói, các hợp tác xã, hộ dân trên địa bàn huyện đã đầu tư máy móc, công nghệ, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, đảm bảo chất lượng, đồng thời xây dựng sản phẩm chiếu cói thành sản phẩm Ocop theo chương trình mỗi xã một sản phẩm. Bà Lê Thị Mận, ở thôn Thanh Minh, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xươngcho biết nhờ HTX tạo điều kiện cho làm thêm, mỗi tháng được 4 đến 5 triệu, vừa tạo việc làm cho gia đình lại không phải đi làm ăn xa. Ông Hà Xuân Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, cũng cho biết: ngay từ đầu năm, đối với mặt hàng xây dựng sản phẩm OCOP, hiện nay xã đầu tư tất cả các công đoạn, thủ tục, đấu mối với trung tâm xây dựng NTM của tỉnh, của huyện hỗ trợ. Về phía xã cũng đã trích ra một phần kinh phí để hỗ trợ cùng với các hộ để xây dựng được sản phẩm OCOP.
Trong giai đoạn 2022-2025, huyện Quảng Xương tiếp tục chỉ đạo các xã làm nghề chiếu cói quan tâm xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, huyện tạo điều kiện để các hộ được vay các nguồn vốn ưu đãi đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng cửa hàng trưng bày sản phẩm; hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng trồng cói; đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động làng nghề cói; cải tạo diện tích trồng cói năng xuất thấp, mở rộng vùng trồng cói để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các xã có nghề sản xuất chiếu cói tại huyện Quảng Xương./.